ĐAU CỔ VAI GÁY

Đau cổ vai gáy: Bệnh đau mỏi cổ, vai gáy khá phổ biến và xuất hiện ở nhiều độ
tuổi khác nhau. Những cơn đau ở vùng cổ, vai gáy gây ra nhiều khó khăn và bất
tiện trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Vậy nguyên nhân đau vai gáy đến từ
đâu và cách điều trị ra sao?

  1. Đau vai gáy là gì?
    Đau vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng, gây đau đớn và hạn chế vận
    động khi quay cổ hay quay đầu. Không chỉ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi,
    khó chịu mà đau cổ vai gáy cảnh báo nhiều bệnh xương khớp nguy hiểm như thoái
    hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cổ, gai cột sống… gây chèn ép rễ thần kinh cột
    sống.
  2. Đối tượng nguy cơ bệnh Đau cổ vai gáy
    Các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh đau cổ vai gáy như:
    Những người làm công việc văn phòng, lái xe, lao động nặng thường mắc
    phải bệnh này.
    Những đối tượng bị tác động từ bên ngoài, các tác động bệnh lý bên trong
    cơ thể như những người bị thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, lao, ung thư
    vùng cổ cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra đau mỏi vai gáy triền miên cho
    người bệnh.
    Những người bị bị dị tật bẩm sinh vùng cổ, gáy, do thay đổi thời tiết.
  3. Triệu chứng đau mỏi cổ vai gáy thường gặp
    Các cơn đau mỏi vai gáy có thể được nhận biết dựa trên những triệu chứng sau:
    Cơn đau thường xuất hiện sau khi ngủ dậy hoặc sau khi làm việc nặng, ngồi
    quá lâu trên bàn làm việc với cùng 1 tư thế.
    Mức độ đau sẽ càng tăng khi người bệnh đi đứng, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận
    động cổ hay khi thời tiết thay đổi.
    Khi nghỉ ngơi thì cơn đau sẽ giảm xuống.
    Cơn đau từ bả vai lan xuống cánh tay (một hoặc hai bên) khiến vai và tay
    luôn bị tê mỏi, nặng nề, khó vận động.
    Khi sờ vào vùng bả vai, cánh tay sẽ thấy tê cứng (biểu hiện của tăng cảm
    giác).
    Đôi khi chỉ đi lại nhẹ nhàng cũng làm vùng cổ, vai gáy đau.
    Nằm ngủ nghiêng về một bên sẽ gây đau.
    Tùy trường hợp, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng chóng
    mặt, ù tai, hoa mắt…
  4. Nguyên nhân đau cổ vai gáy
    Nguyên nhân gây nên đau mỏi cổ, vai gáy được chia ra thành 3 nhóm: nguyên
    nhân cơ học, nguyên nhân bệnh lý và nguyên nhân khác.
    4.1. Nguyên nhân cơ học
    Sinh hoạt sai tư thế: Ngồi làm việc trước màn hình máy tính quá lâu, cúi gập cổ
    trong trong gian dài, dựa đầu vào ghế, nằm nghiêng và co quắp… có thể ảnh
    hưởng đến quá trình cung cấp oxy và máu cho các cơ vùng cổ vai gáy, từ đó dẫn
    tới đau nhức và cứng các vị trí trên.
    Thói quen sinh hoạt không tốt: Ngồi lâu trước quạt, máy lạnh; thói quen tắm
    đêm; dầm mưa dãi nắng thường xuyên sẽ làm rối loạn hệ thần kinh điều khiển
    cảm giác và hoạt động của các bó cơ vùng vai gáy.
    Tập luyện quá sức: Nếu bạn tập luyện với cường độ cao, có tư thế tập không
    đúng hay không khởi động trước khi tập sẽ làm mỏi phần vai gáy, lâu dần gây nên
    những cơn đau.
    Đặc thù công việc: Những công việc phải ngồi hoặc đứng quá lâu khiến máu khó
    lưu thông tại vùng cổ, bả vai và dẫn đến đau mỏi.
    Chấn thương mô mềm: Đau vai gáy có thể xuất phát từ tình trạng tổn thương
    mô mềm. Mô mềm bao gồm cơ, gân và dây chằng. Khi chấn thương mô mềm xảy
    ra, có thể dẫn tới nhiều cơn đau nhức, bao gồm cứng cổ, đau đầu và co thắt cơ
    bắp.
    Chấn thương cổ đột ngột (Whiplash): Đây là hiện tượng rách cơ, gân và dây
    chằng ở cổ do cử động cổ đột ngột. Các triệu chứng đặc trưng bao gồm đau và
    cứng cổ, đau đầu, chóng mặt hoặc mờ mắt.
    Tư thế mang vác đồ không đúng khiến cơ bị kéo căng quá lâu, gây mất cân bằng
    vi chất trong cơ
    4.2. Nguyên nhân bệnh lý
    Đau vai gáy có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể, phổ biến
    như:
    Rối loạn chức năng thần kinh: Các dây thần kinh vùng vai gáy bị kéo giãn, hoặc
    kéo căng quá mức có thể gây ra sự rối loạn chức năng dây thần kinh khu vực này.
    Đây cũng là nguyên nhân thường gặp gây ra các cơn đau mỏi vai gáy.
    Thoái hóa cột sống cổ: Các gai xương xuất hiện trên cột sống cổ gây chèn ép dây
    thần kinh điều khiển cảm nhận phần cổ, vai, gáy. Người bệnh sẽ cảm thấy đau
    mỏi, cứng cổ khi mới ngủ dậy. Đối tượng dễ mắc bệnh này là nhóm độ tuổi trên
    40.
    Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Các bao xơ đĩa đệm ở cột sống cổ yếu đi khiến
    nhân nhầy thoát ra ngoài, đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí trên đốt sống, chèn ép rễ
    thần kinh xung quanh gây đau mỏi vai gáy.
    Vôi hóa cột sống: Canxi đọng lại ở thân đốt sống khiến cột sống bị vôi hóa, tạo
    nên những gai xương. Các gai xương này sẽ chèn ép rễ thần kinh ống sống, gây
    nên đau cổ vai gáy.
    Viêm bao khớp vai: Do chấn thương hoặc tai nạn, khớp vai có thể bị viêm gây
    đau và hạn chế vận động vùng cổ và vai.
    Rối loạn khớp bả vai lồng ngực: Ngồi lâu một chỗ với tư thế sao khiến căng cơ
    bả vai và rút cơ lồng ngực quá mức gây nên đau vai cổ gáy.
    Đau thắt ngực ổn định (Stable Angina): Đau vai gáy, cổ, lưng hoặc hàm là một
    trong những triệu chứng của đau thắt ngực ổn định, xảy ra do động mạch vành bị
    thu hẹp, không thể đáp ứng nhu cầu oxy trong máu.
    Đau vai gáy kèm theo đau đầu: Đây là một loại đau đầu do cơ siết chặt ở vùng
    sau cổ, đồng thời cổ bị sai trật, đôi lúc, cho cảm giác tương tự như đau nửa đầu.
    Các triệu chứng thường gặp bao gồm: đau ở một bên đầu hoặc một bên khuôn
    mặt; đau nhức quanh mắt; cứng cổ vai gáy và đau đầu sau khi cử động cổ nhất
    định.
    Ung thư: Một số trường hợp, đau cổ vai gáy dai dẳng là triệu chứng của ung thư
    đầu hoặc cổ. Khoảng 75% ung thư đầu và cổ xảy ra, do lạm dụng quá nhiều rượu
    bia và thuốc lá. Ngoài ra, đau vai gáy còn cảnh báo dấu hiệu mắc bệnh ung thư
    phổi.
    4.3. Nguyên nhân đau vai gáy khác
    Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì cơ thể càng lão hóa nhanh hơn. Trong đó, các cơ quan,
    hệ xương khớp cũng bị thoái hóa dần và suy giảm chức năng. Chính vì thế là tỉ lệ
    người cao tuổi mắc các bệnh về vai gáy sẽ cao hơn so với những người trẻ tuổi.
    Thời tiết: Mỗi khi chuyển mùa, đặc biệt là khi trời lạnh thì vai gáy sẽ trở nên đau
    hơn do áp suất không khí giảm khiến các mạch máu bị co lại, khả năng vận chuyển
    oxy và máu giảm đi.
    Nhiễm lạnh: Cơ thể nhiễm lạnh làm tổn thương dây thần kinh và gây đau mỏi vai
    gáy.
    Chế độ ăn uống thiếu chất: Thiếu hụt vitamin, khoáng chất làm cho dây thần
    kinh ngoại vi yếu đi và gây đau cổ vai gáy.
  5. Biện pháp chẩn đoán bệnh đau vai gáy
    Một số phương pháp dùng để chẩn đoán bệnh đau mỏi cổ vai gáy:
    Thăm khám và kiểm tra tiền sử bệnh để loại trừ khả năng có bệnh khác.
    Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp thấy được khe hẹp giữa hai đốt
    sống, khối u,…
    Chụp CT: Phương pháp cho thấy hình ảnh cắt ngang chi tiết bên trong của
    vùng vai gáy.
    Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kết quả cho thấy các yếu tố liên quan đến tủy
    sống, đĩa đệm, dây chằng, dây thần kinh.
    Chụp tủy sống: Cách này có thể thay thế cho chụp cộng hưởng từ (MRI).
  6. Điều trị
    6.1. Nguyên tắc điều trị
    Điều trị triệu chứng bệnh kết hợp với giải quyết nguyên nhân nếu có thể.
    Kết hợp điều trị thuốc với các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng
    và các biện pháp không dùng thuốc khác.
    Chỉ định điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
    6.2. Điều trị cụ thể
    6.2.1. Các biện pháp không dùng thuốc
    Giáo dục bệnh nhân, thay đổi thói quen sinh hoạt, công việc (tư thế ngồi
    làm việc, sử dụng máy tính, …).
    Trong giai đoạn cấp khi có đau nhiều hoặc sau chấn thương có thể bất động
    cột sống cổ tương đối bằng đai cổ mềm kết hợp chườm ấm vùng cổ vai
    bằng miếng đệm nóng hoặc xoa bóp vai gáy nhẹ nhàng để tăng lưu thông
    máu, giúp cơ được thư giãn.
    Tập vận động cột sống cổ, vai, cánh tay với các bài tập thích hợp
    Vật lý trị liệu: Liệu pháp nhiệt, kích thích điện, siêu âm liệu pháp, xoa bóp
    bấm huyệt, châm cứu, kéo giãn cột sống (tại các cơ sở điều trị vật lý và
    phục hồi chức năng).
    6.2.2. Các phương pháp điều trị thuốc
    − Thuốc giảm đau: Tùy mức độ đau, có thể dùng đơn thuần hoặc phối hợp các
    nhóm thuốc sau:
  • Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol viên 0,5-0,65g x 2-4 viên/24h
    (không dùng quá 4 gam paracetamol/24h).
  • Thuốc giảm đau dạng phối hợp: Paracetamol kết hợp với một opiad nhẹ như
    codein hoặc tramadol: 2-4 viên/24h.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Lựa chọn một thuốc thích hợp
    tùy cơ địa bệnh nhân và các nguy cơ tác dụng phụ. Liều thường dùng: diclofenac
    75-150 mg/ngày; piroxicam 20 mg/ngày; meloxicam 7,5-15 mg/ngày; celecoxib
    100- 200 mg/ngày; hoặc etoricoxib 30-60 mg/ngày. Nếu bệnh nhân có bệnh lý dạ
    dày- tá tràng nên dùng nhóm ức chế chọn lọc COX-2 hoặc phối hợp với một thuốc
    ức chế bơm proton.
    − Thuốc giãn cơ:
  • Thường dùng trong đợt đau cấp, đặc biệt khi có tình trạng co cứng cơ.
  • Các thuốc thường dùng: Epirisone 50 mg x 2-3 lần/ngày, hoặc tolperisone
    50-150 mg x 2-3 lần/ngày), hoặc mephenesine 250 mg x 2-4 lần/ngày, hoặc
    diazepam.
    − Các thuốc khác:
  • Thuốc giảm đau thần kinh: Có thể chỉ định khi có bệnh lý rễ thần kinh nặng
    hoặc dai dẳng, nên bắt đầu bằng liều thấp, sau đó tăng liều dần tùy theo đáp ứng
    điều trị: gabapentin 600-1200 mg/ngày, hoặc pregabalin 150-300 mg/ngày.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (liều thấp): amitriptyline hoặc nortriptyline (10-
    25 mg/ngày) khi có biểu hiện đau thần kinh mạn tính hoặc khi có kèm rối loạn
    giấc ngủ.
  • Vitamin nhóm B: Viên 3B (B1, B6, B12) hoặc dẫn chất B12 mecobalamin (1000
    -1500 mcg/ngày).
  • Corticosteroid: Trong một số trường hợp có biểu hiện chèn ép rễ nặng và có
    tính chất cấp tính mà các thuốc khác ít hiệu quả, có thể xem xét dùng một đợt
    ngắn hạn corticosteroid đường uống (prednisolone, methylprednisolone) trong 1-
    2 tuần.
    6.2.3. Điều trị ngoại khoa
    − Một số chỉ định: Đau nhiều song điều trị nội khoa ít có kết quả, có tổn thương
    thần kinh nặng và tiến triển, có chèn ép tủy cổ đáng kể.
    − Một số phương pháp phẫu thuật chủ yếu: Chỉnh sửa cột sống để giải phóng
    chèn ép thần kinh tại các lỗ tiếp hợp bị hẹp, lấy nhân nhày đĩa đệm thoát vị, làm
    dính và vững cột sống.
  • 7. Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng khi điều trị bệnh
    Để quá trình điều trị đau vai gáy đạt hiệu quả cao, người bệnh cần kết hợp thay
    đổi thói quen sinh hoạt cũng như chế độ dinh dưỡng hằng ngày:
    Tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh việc tự ý ngừng điều trị khi
    thấy cơn đau đã thuyên giảm.
    Hạn chế các hoạt động xoay vặn mạnh cột sống cổ vì có thể gây thêm các
    tổn thương cho dây thần kinh.
    Tránh nằm hoặc ngồi 1 chỗ quá lâu có thể khiến các cơ vùng cổ bị co cứng,
    kém linh hoạt.
    Thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng để giúp cơ cổ được thư giãn như
    xoay cổ, ngửa đầu trước sau, xoay đầu qua 2 bên,…
    Bổ sung các khoáng chất cần thiết cho xương khớp như Canxi, Omega -3,
    Vitamin C-D-E, Vitamin nhóm B, Glucosamine & Chondroitin,…
    Hạn chế các thức ăn nhiều dầu mỡ, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc
    lá.
    8. TOP 3 bài tập đau vai gáy đơn giản tại nhà
    Tích cực luyện tập giúp giảm đau mỏi vai gáy, thư giãn các cơ và tăng cường cấu
    trúc xương xung quanh vùng cổ, giúp người bệnh rút ngắn thời gian hồi
    hướng dẫn bởi chuyên viên Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng phục.
    Dưới đây là 3 bài tập tại chỗ, có thể thực hiện ngay tại nhà hoặc tại văn phòng:
    Bài tập 1
    Bài tập giúp thư giãn một bên hoặc hai bên vùng cơ cổ và vai gáy.
    Người bệnh ngồi thẳng lưng trên ghế.
    Tay trái đưa ra phía sau lưng để cố định phần vai của mình.
    Tay phải choàng qua đầu, đồng thời kéo giãn đầu về phía bên phải nhằm
    căng cơ vùng cổ bên trái.
    Giữ yên tư thế trong 10 giây.
    Sau đó đổi bên và thực hiện tương tự.
    Bài tập 2
    Bài tập giúp thư giãn các cơ vùng cổ, vai và bắp tay.
    Tư thế ngồi trên ghế.
    Đan hai tay vào nhau và đưa thẳng về phía trước, lòng bàn tay hướng ra
    ngoài.
    Tiếp tục đưa tay cao lên qua đầu cho đến khi thấy căng vùng bắp tay, lưu ý
    mắt nhìn theo tay.
    Giữ yên 10 – 15 giây, lặp lại động tác 3 lần.
    Bài tập 3
    Các động tác dưới đây giúp kéo giãn vùng cổ và vùng vai, góp phần xoa dịu cơn
    đau cổ và vai gáy.
    Người bệnh đứng thẳng và giữ thẳng lưng.
    Đan hai tay vào nhau ở phía sau lưng.
    Cố gắng giữ thẳng tay và đưa tay lên cao trong 10 giây.
    Thực hiện động tác 3 lần.
    9. Phòng ngừa bệnh đau mỏi cổ vai gáy
    Đau mỏi vai gáy là triệu chứng thường gặp của nhân viên văn phòng hoặc những
    đối tượng thường xuyên làm việc với tư thế cố định, ít vận động như nhân viên
    lập trình máy tính, kế toán, kiến trúc sư… Để phòng ngừa đau vai gáy, mọi người
    nên thay đổi thói quen khi ngồi làm việc:
    Không ngồi quá lâu trong thời gian dài, nên thay đổi tư thế hoặc đứng lên
    vươn vai đi lại sau mỗi 45 phút làm việc.
    Đặt màn hình máy tính ngang tầm mắt, điều chỉnh chiều cao bàn ghế phù
    hợp sao cho khuỷu tay vuông góc với mặt bàn khi gõ máy.
    Khi sử dụng điện thoại nên đặt màn hình điện thoại ngang tầm mắt, tránh
    cúi đầu nhìn màn hình quá lâu.
    Không dùng bả vai và đầu để giữ điện thoại khi nói chuyện.
    Không nằm ngủ gục mặt trên bàn.
    Khi thấy triệu chứng đau mỏi cổ, vai gáy xuất hiện thường xuyên, người bệnh nên
    đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị đúng cách. Hiểu đúng bệnh, chữa đúng
    cách sẽ giúp người bệnh nhanh chóng thoát khỏi cơn cơn đau vai gáy và cải thiện
    chất lượng cuộc sống.

Để lại một bình luận